
Thứ ba, 25 Tháng 5 2010 14:20
Tôi đăng ký vào trường University of Houston cho mùa Spring 2010. Vì thế, sau khi nhận được thư chấp nhận của trường và I-20, tôi đăng ký phỏng vấn xin visa vào ngày 4 tháng 11 năm 2009. Những kinh nghiệm của những người đi trước cho biết phỏng vấn visa không dễ, và phỏng vấn đi du học lại càng khó, làm tôi cũng rất lo. Thực sự tôi cũng không biết chuẩn bị gì, ngoài các giấy tờ cần thiết.
Tôi chọn giờ phỏng vấn là 8:30. Khoảng 7:20 tôi có mặt tại toàn lãnh sự quán Mỹ, lúc đó có rất đông người xếp hàng chờ cho giờ phỏng vấn 7:30. Lần trước, khi tôi đi phỏng vấn du lịch thì được vào ngay, nhưng lần này vì quá đông nên phải xếp hàng trong một căn phòng lớn rồi mới được vào cổng chính. Mẹ tôi tươi cười chúc may mắn rồi sang bên kia đường chờ, mẹ nói không sao đâu con, được thì tốt, không được thì thôi. Bỗng nhiên tôi không còn cảm giác lo lắng nữa, mà thấy thoải mái hơn nhiều.
Căn phòng chờ xếp hàng để vào cổng chính được chia thành hai bên: Immigrant(người nhập cư) và Non-Immigrant (người không nhập cư). Những người đi immigrant rất đông, vì họ thường đi cả gia đình. Từng đợt khoảng 20 người lần lượt immigrant rồi đến non-immigrant được vào trong lãnh sự quán. Những người lớn tuổi, người khuyết tật và phụ nữ có con nhỏ được ưu tiên vào trước. Đến khoảng 7:50 thì tôi cũng được vào.
Đầu tiên phải gửi điện thoại ở cổng ra vào, rồi mới tiếp tục vào trong. Các giờ hẹn được chia thành những hàng khác nhau để nộp hồ sơ chuẩn bị phỏng vấn. Những người đã từng đi Mỹ sẽ được vào cổng C, không phải xếp hàng theo giờ hẹn để vào cổng A. Tôi vào cổng C và được làm thủ tục nhanh hơn, sau đó được phát cho số thứ tự và vào ngồi trước các phòng phỏng vấn để chờ.
Trước khi được gọi lên phỏng vấn phải lấy dấu vân tay trước. Dù lúc đó gần 8 giờ nhưng những người phỏng vấn vẫn chưa đến làm việc, và những người hẹn lúc 7:30 vẫn đang ngồi chờ. Khoảng 8:15, thì có 3 phòng bắt đầu làm việc. Những người lớn tuổi và khuyết tật và người từng đi Mỹ được ưu tiên trước. Có 2 người trong một phòng phỏng vấn, 1 người Mỹ (hoặc Hàn Quốc, Trung Quốc, …) và 1 người Việt, với những người đi phỏng vấn không biết tiếng Anh thì có thể nói tiếng Việt.
Đến 8:25 tôi được gọi lên phỏng vấn phòng số 2. Một ông người Mỹ và một cô người Việt cười thân thiện nói “Good morning!”. Tôi cũng mỉm cười chào lại. Ông Mỹ mở lời bằng tiếng Việt:
- Ngón cái, “tai phải”, để lên cái “mào đỏ”.
Tôi phải mất … 2 giây suy nghĩ xem cái “tai phải” sao mà để lên cái “mào đỏ” nào. À, thì ra là ông kiểm tra dấu vân tay lại.
Việc ông nói tiếng Việt làm tôi thấy tự tin hơn, vì ông là người nước ngoài, nói tiếng Việt dù không đúng giọng nhưng tôi vẫn có thể hiểu, thì việc tôi nói tiếng Anh không chuẩn nhưng mình cố gắng diễn đạt hết ý của mình là được.
Ông xem hồ sơ khá lâu, rồi quay sang cười hỏi:
- Can you speak English?
- Yes, I can.
Ông lại xem hồ sơ thêm một chút nữa:
- Why do you choose University of Houston?
- I choose University of Houston because last year I had a chance to visit that university when attending my brother’s graduation. He graduated from the University of Houston – System.
Tôi cảm thấy phần trả lời đã đủ, nhưng ông vẫn có ý chờ tôi nói thêm
- …and now he has a good job…
Ông vẫn cười và chờ đợi. Tôi hơi rối một chút, nên nói đại
- …so I think I might get a good job after graduating from that university…
Ông hỏi tiếp
- Did your brother come back to Vietnam?
- No, he didn’t. He’s working now and he plans to study master afterward.
Tôi hơi lo, vì nhiều người nói có người thân ở Mỹ thì sẽ bị từ chối. Và anh tôi vẫn đang làm việc ở Mỹ, chưa về Việt Nam sau khi học xong có thể khiến họ nghĩ anh tìm cách ở lại luôn và tôi cũng vậy.
Ông cười, quay sang đánh thông tin vào máy vi tính. Vừa đánh máy ông vừa hỏi
- Do you have any other relative in the US?
- No, I don’t.
Ông hỏi tiếp
- Can I see your … học bạ? (ông nói từ “học bạ” rất chính xác)
Tôi đưa cho ông hết giấy tờ cần thiết
Ông qua sang cô Việt Nam, hai người cùng xem bảng điểm và điểm TOEFL của tôi.
Ông tiếp tục đánh máy. Cô Việt Nam đi đâu đó
Ông tiếp tục
- What do your parents do?
- My mom is a doctor and my dad is an engineer.
Cô Việt Nam trở lại. Ông quay sang cười, cô Việt Nam cũng cười hỏi “Yes?”, ông nói “Yes”. Tôi không biết hai người yes gì, hơi hy vọng, mà cũng hơi lo.
Ông quay sang tôi
- Enjoy your study.
Ơ, tự nhiên lúc đó tôi ngơ ngác quá xá ko biết ý ông là enjoy ở đâu? Mỹ hay Việt Nam? Nếu ông nói “Congratulation!” hay “Sorry!” thì dễ hiểu hơn
Cô Việt Nam viết một tờ giấy. Cô đưa cho tôi rồi nói
- Xong rồi đó em, ngày mai em đến lấy passport. Em về được rồi
Vậy là tôi đã được visa đi Mỹ. Lúc đó là 8:35
Phan Thông Minh Thư
Cựu sinh viên Itec07
Sinh viên University of Houston
Những điều nên chuẩn bị khi đi phỏng vấn du học
- Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết (giấy hẹn, DS-156, DS-158, I-20, SEVIS) và các giấy tờ chứng minh tài chính,…
- Nên đi sớm để có được tư thế sẵn sàng, không cập rập, và cũng cảm thấy thoải mái hơn.
- Không đặt nặng vấn đề đậu hay rớt. Nên có kế hoạch trước nếu không đạt thì sẽ làm gì, để không cảm thấy quá thất vọng. Đậu hay rớt cũng cần có may mắn nữa,
- Ăn mặc đứng đắn, lịch sự. Và cũng nên chọn trang phục nào khiến mình thoải mái tự tin.
- Luôn giữ thái độ thoải mái và tự tin lúc phỏng vấn. Những điều biết rõ thì nên trả lời cụ thể rõ ràng, không biết chắc chắn thì nên nói là không biết. Tươi cười lúc trả lời cũng làm tâm trạng thoải mái hơn.
- Nên chuẩn bị trước một số câu trả lời có thể được hỏi và cố gắng nói lưu loát.
- Nên trả lời thành thật, không nên vì lo sợ mà phải giấu diếm điều gì
- Người phỏng vấn sẽ chú trọng vào 3 điều
- Bạn có đủ khả năng học tập tại Mỹ và tại trường bạn đã chọn không? (Thành tích học tập tốt và các chứng nhận đủ điểm tiếng Anh mà nhà trường yêu cầu (TOEFL, IELTS,…) là rất cần thiết.
- Khả năng tài chính của bạn (giấy tờ chứng minh tài chính, cha mẹ làm công việc gì, giấy tờ chứng minh công việc của cha mẹ)
- Khả năng bạn sẽ quay về Việt Nam sau khi học xong (cha mẹ, gia đình đều ở Việt Nam,… Nhưng nếu bạn có người thân ở nước Mỹ thì cũng không ảnh hưởng gì vì người phỏng vấn hiểu vì biến cố lịch sử mà có nhiều người Việt Nam có người thân ở Mỹ)
- 18/10/2017 18:16 - MẪU VĂN BẢN CÔNG NHẬN VĂN BẰNG TỐT NGHIỆP DO BỘ GD&ĐT CẤP CHO CỰU SV ITEC
- 09/10/2017 15:47 - LÁ THƯ TS. NGUYỄN HỒNG PHÚC GỬI CÁC BẠN SINH VIÊN ITEC
- 14/08/2017 17:26 - Phạm Tấn Hiển - Đường từ ITEC đến Dubai không xa
- 19/04/2017 18:33 - CỰU SINH VIÊN ITEC PHÁT TRIỂN THÀNH CÔNG ỨNG DỤNG CHO LIÊN HIỆP QUỐC
- 19/09/2014 10:07 - TRẢI NGHIỆM NHỮNG NGÀY ĐẦU CHUYỂN TIẾP KEUKA US
- 25/05/2010 11:03 - Toàn Trung ITEC07 - phỏng vấn visa
- 25/05/2010 09:46 - Từ Toàn Trung - khoá ITEC07
- 24/05/2010 16:47 - Phan Thông Minh Thư - ITEC07
- 06/05/2010 23:10 - Cựu sinh viên